Dọc khắp đường đèo, núi đá Đồng Văn, từ Quản Bạ, Yên Minh, đến Mèo Vạc, Đồng Văn, đâu đâu cũng du khách cũng có thể bắt gặp những sắc phục vùng cao đầy rực rỡ, ấn tượng
...sắc phục rực rỡ trên mọi nẻo đường cao nguyên đá Đồng Văn
Bức tranh tuyệt sắc vùng sơn cước như được tô điểm thêm vẻ đẹp đầy quyến rũ, mê đắm đến lạ kỳ! Mỗi trang phục, màu sắc đều biểu trưng cho mỗi dân tộc, mỗi tập quán… nhưng đều tụ lại thành linh hồn trên cao nguyên đá - một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng!
Qua mỗi kiểu dáng, sắc màu và hoa văn trang trí trên trang phục, ta có thể dễ dàng nhận ra đó là văn hóa đặc trưng cho dân tộc nào! Trang phục của các nhóm dân tộc Nùng, Tày…cho thấy sự giản dị cả về kiểu dáng và màu sắc. Đối lập hoàn toàn với sự phong phú, đa dạng về hoa văn, sắc màu trong trang phục người Dao, Lô Lô…Từng đường kim mũi chỉ, hoa văn họa tiết cho thấy sự sáng tạo, tinh tế không ngừng của những người phụ nữ rẻo cao.
Sắc xuân rực rỡ vùng cao!
Đó là mùa xuân rực rỡ, tràn đầy sức sống nơi cao nguyên đá Đồng Văn. Là những họa tiết núi đá, chim muông… trên mỗi bộ xiêm y phần nào cho thấy vẻ trù phú, tươi vui của đất trời vùng cao. Không đơn thuần chỉ là một bộ trang phục, khi được khoác lên mình nó mang ý nghĩa tự hào dân tộc đến lạ kỳ. Bởi thế mà, với người dân vùng cao nguyên đá Đồng Văn, chuyện ăn mặc rất được coi trọng. Quyền quý, khéo léo, thông minh cũng từ trang phục mà toát lên.
Những cô gái ở đây, mới độ tuổi lên chín, lên mười cũng đã biết cách kéo sợi, dệt vải, thêu thùa. Kinh nghiệm của các bà, các mẹ, tinh hoa từ bao đời được gìn giữ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dưới bàn tay khéo léo, những tấm vải tuyệt mỹ, những nét thêu cứ thế sống động mà hiện hữu. Thêu thùa để làm đẹp cho trang phục hàng ngày, cho chồng con và để trao đổi hàng hóa, nuôi sống gia đình.
Quan sát thấy trang phục màu chàm chủ đạo, kết hợp thắt lưng vải sáng màu kèm xà tích bạc, đó chính là trang phục tiêu biểu của người Tày, Giáy, Nùng. Do thường xuyên phải leo núi, làm nương nên phục trang của họ thường mang gam màu trầm, tối. Giản dị nhưng lại toát lên vẻ đằm thắm, dịu dàng đến mê người. Nổi bật nhất có lẽ là sắc màu đỏ trong phục trang người phụ nữ Pà Thẻn. Từng họa tiết trang trí trên người: khăn đội đầu, trang phục, đai quấn… cũng đều rực sắc đỏ
Đa sắc màunhưng đều tụ lại thành linh hồn trên cao nguyên đá
Trang phục người phụ nữ Lô Lô lại mang nét dịu, thanh thoát hơn bởi gam màu trầm chủ đạo. Điểm nhấn đặc biệt là những họa tiết thêu tay: đá, hoa, chim, núi, sông… vô cùng công phu, sáng tạo. Thêm chút gam màu tươi sáng trong trang phục người phụ nữ Mông. Và với mỗi nhóm Mông khác nhau lại có sự khác biệt về họa tiết, kiểu dáng tạo nên sự phong phú về dáng điệu, hoa văn.
Cũng qua mỗi bộ trang phục, du khách có thể dễ dàng nhận thấy khí hậu và độ cao địa hình dân tộc đó sinh sống. Họa tiết hoa văn không chỉ làm đẹp cho trang phục mà còn làm tăng độ dày dặn, ấm áp khi mặc nó. Bởi thế mà với những dân tộc sống nơi núi cao Dao, Mông thường mang màu rực rỡ, nhiều họa tiết. Trái lại, với những đồng bào sống ở vùng thấp, trang phục thường đơn giản, ít hoa văn, họa tiết (Nùng, Tày…)
Khám phá nét văn hóa độc đáo qua sắc phục vùng cao, qua cánh đồng tam giác mạch bát ngát
Thật khó để khám phá hết vẻ đẹp nơi cao nguyên đá Đồng Văn. Nếu có dịp, bạn nên một lần ghé đến Hà Giang, dự Lễ hội hoa tam giác mạch để trải nghiệm và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp núi rừng. Đến để cảm nhận không khí sôi động của văn nghệ dân tộc, chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa tam giác mạch rực rỡ… và khám phá nét văn hóa độc đáo qua sắc phục vùng cao!