Tin tức

Chấm phá nét nghệ thuật độc đáo người Mông qua nghề xe lanh, dệt vải

Đã từ lâu, xe lanh, dệt vải đã trở thành một trong những biểu trưng văn hóa đồng bào vùng cao. Nhờ bàn tay khéo léo, tinh tế, họ - đồng bào người Mông đã tạo nên một nền văn hóa thổ cẩm rực rỡ đa sắc màu. Giữa lạnh lẽo đất trời cực Bắc, giữa cao nguyên đá cao, xám ngắt lạnh lẽo, có một sự tươi mới, căng tràn nhựa sống.

det lanh dong van2Giữa mênh mông đất trời vùng cao, vẻ đẹp thuần khiết hoa tam giác mạch, rực rỡ sắc phục vải lanh

 

Mỗi khi có dịp đặt chân lên cao nguyên đá Đồng Văn, dạo bước nơi các bản Phố Cáo, Sủng Là, Quản Bạ… có thể dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Mông cần mẫn dệt vải, đưa thoi. Tiếng thoi đưa rộn ràng, nhịp nhàng tạo nên âm thanh sôi động, tươi vui đất trời.

Không rõ nghề dệt lanh xuất hiện ở đây tự bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu đã thấy có nghề lanh và truyền qua bao thế hệ. Cây lanh – Nghề dệt lanh – Cuộc sống con người cứ tuần tự mà sinh sôi, phát triển, cộng sinh cho nhau tạo ra những giá trị khác biệt. Bất cứ người phụ nữ Mông nào trên vùng rẻo cao này cũng đều biết xe lanh, dệt vải, tự may trang phục, thêu thùa. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo của người phụ nữ trong công việc gia đình. Chẳng thế mà đồng bào vẫn truyền nhau câu nói vui tai:

“Con gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu

Vợ giỏi mấy không biêt thêu lanh cũng tồi”

Vào những ngày trọng đại, lễ hội chung của cộng đồng: Lễ hội Gầu Tào, hội xuân … chị em thiếu nữ lại xúng xính váy áo vui hội. Từng bộ trang phục được dệt bằng vải lanh với những họa tiết độc đáo, tinh tế dưới đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người phụ nữ Mông đã tạo nên một tuyệt tác nghệ thuật mang đậm giá trị truyền thống.  Qua từng tấm vải lanh, cuộc sống vùng cao dần hiện hữu, đó là: lá, hoa, muông thú, núi đồi… ước mơ, khát vọng về cuộc sống an nhiên, ấm no và là cả một tương lai tươi sáng.

det lanh dong van3Cuộc sống vùng cao dần hiện hữu, đó là: lá, hoa, muông thú, núi đồi… 

Dệt lanh đối với đồng bào người Mông, không chỉ đảm bảo nhu cầu sống hàng ngày: giữ ấm cơ thể ngày đông lạnh giá, trao đổi hàng hóa lấy cái ăn. Hơn thế nữa nó còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh riêng biệt, gắn kết thế giới người sống – chết.

Cây lanh, nghề dệt lanh trong thế giới tâm linh còn mang ý nghĩa đặc biệt linh thiêng, góp mặt trong hầu hết các lễ hội lớn – nhỏ của đồng bào. Trang phục lanh trong ngày tân hôn, trang phục lanh cũng lại xuất hiện trong dịp cúng, lễ, giỗ, Tết.  Cũng chính bởi tâm niệm cho rằng: vải từ cây lanh có thể kết nối tâm linh với thế giới loài người. Sợi lanh như hình tượng ví von, ý nghĩa như nhịp cầu dài dẫn đường, đưa lối cho người chết về lại với tổ tiên.

det lanh dong van4Dệt lanh - vẹn nguyên giá trị truyền thống dân tộc

 

Trải qua thời gian dài, dưới sức tàn phá của năm tháng, giá trị văn hóa truyền thống – dệt lanh đã có lúc tưởng chừng biến mất. Ấy thế nhưng vẫn bền bỉ, mạnh mẽ bảo tồn, duy trì và phát triển cho đến tận ngày nay. Bền bỉ, dẻo dai như chính sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt của con người và vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Hiểu được những giá trị và niềm tự hào với nghề xe lanh dệt vải, đồng bào Mông ở Đồng Văn đã đem những phẩm vật, mang những kỹ thuật nghề dệt của mình đến các lễ hội lớn khắp cả nước để giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước. Bạn sẽ được trải nghiệm nét nghệ thuật độc đáo này vào dịp lễ hội hoa Tam Giác Mạch 2017 tháng 10 tới tại cao nguyên đá Đông Văn, Hà Giang.